Xem thêm: Vì sao dân văn phòng ngày càng ưu tiên mua nhà sống xanh?
Nếu bạn đang ở tuổi 25, có một công việc văn phòng ổn định và bắt đầu tiết kiệm với hy vọng sở hữu một căn hộ tại Hà Nội hay TP HCM, hãy chuẩn bị tinh thần: bạn có thể sẽ cần đến… 74 năm để đủ tiền mua nhà.
Nghe có vẻ phi lý, nhưng đó là một phép tính thực tế, phản ánh khoảng cách ngày càng lớn giữa giấc mơ an cư và khả năng tài chính của người trẻ hiện đại.
Xem thêm: Hướng dẫn lập kế hoạch vay mua nhà cho người trẻ
Hiện nay, giá một căn hộ 70m² ở TP.HCM hoặc Hà Nội dao động từ 4–6 tỷ đồng, tùy vị trí, với tốc độ tăng từ 10–15%/năm (theo CBRE, 2024). Trong khi đó, thu nhập trung bình của người trẻ (25–35 tuổi) tại các thành phố này chỉ khoảng 10-15 triệu đồng, trung bình tăng 4-6%/năm. Điều này khiến việc mua nhà dần trở thành một cuộc rượt đuổi bất cân xứng.
Giả sử bạn kiếm được 15 triệu/tháng và tiết kiệm 30% (tức 4,5 triệu/tháng). Với mức tích lũy này, bạn sẽ mất 22 năm chỉ để tích lũy đủ 1,2 tỷ đồng – tương đương 30% giá trị căn hộ. Còn nếu muốn mua đứt căn hộ? Bạn sẽ cần… 74 năm không tiêu đồng nào trong số tiền tiết kiệm đó, với điều kiện không lạm phát, không bệnh tật,... chỉ để chạm tới con số 4 tỷ. Một bài toán nghe qua đã thấy "thử thách tài chính cấp độ siêu nhân".
Vì mua nhà quá xa vời, nhiều người trẻ chọn thuê nhà để sống trước, tính sau. Đây là một giải pháp linh hoạt, phù hợp với những ai còn đang khám phá sự nghiệp, chưa ổn định tài chính. Tuy nhiên, thuê nhà cũng có cái giá của nó. Vân (một chuyên viên ngân hàng, 32 tuổi), chia sẻ: “Mình đã chuyển nhà 6 lần trong 8 năm. Mỗi lần là một cuộc ‘dọn quân’ đúng nghĩa. Con khóc, chồng mệt, mình stress”.
Với mức thuê phổ biến 10–12 triệu/tháng, bạn sẽ tiêu tốn hơn 700 triệu đồng sau 5 năm – nhưng sau cùng vẫn trắng tay. Theo khảo sát của VietnamWorks vào năm 2023, 70% người đi thuê nhà thừa nhận họ muốn mua, nhưng không thể tiếp cận được căn nhà phù hợp với khả năng tài chính.
Xem thêm: Một ngày sống tại khu đô thị dưỡng lành
Một bộ phận người trẻ chọn cách “liều” – vay ngân hàng để mua nhà. Nhưng họ cũng phải đánh đổi bằng áp lực trả góp kéo dài hàng chục năm. Với khoản vay 70% giá trị căn hộ, bạn sẽ phải trả trung bình 10–15 triệu đồng/tháng trong suốt 15–20 năm.
Nam (35 tuổi một quản lý cấp trung trong ngành quảng cáo đang làm việc tại TP.HCM) từng rất quyết tâm mua nhà. Hai năm sau, anh cắt mọi chi tiêu không thiết yếu, từ bỏ kỳ nghỉ, từ chối các buổi tụ tập bạn bè, ngày qua ngày “cày cuốc” để trả nợ. Anh thở dài: “Mình có nhà, nhưng không còn có thời gian để sống trong nó”.
Theo VietnamFinance 2023, 70% người vay mua nhà rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính thường xuyên. Căn nhà đôi khi trở thành chiếc lồng son đẹp đẽ nhưng khiến người trẻ mỏi mệt, lo lắng và mất tự do.
Từ những trải nghiệm đó, nhiều người trẻ bắt đầu thay đổi góc nhìn. Nếu nội đô quá sức, thì dịch chuyển ra xa một chút. Không còn coi nhà quận trung tâm là “chuẩn mực”, họ chuyển sang tìm kiếm ở những nơi “xa mà vừa đủ gần”: xung quanh trung tâm Tp. Hồ Chí Minh có Thủ Đức, Bình Dương, gần các quận trung tâm Hà Nội thì có Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức,… – những khu vực có giá dễ thở hơn, hạ tầng đang phát triển, và tiện ích sống ngày càng hoàn thiện.
Một căn hộ 2 phòng ngủ, cách trung tâm 30-40 phút di chuyển, có cây xanh, có sân chơi cho trẻ, có siêu thị gần nhà - với nhiều người, đó là một tổ ấm thật sự. Và quan trọng hơn: khả thi.
Xem thêm: Nhật ký: Một ngày sống tại khu đô thị dưỡng lành
Trong bối cảnh hiện tại, mua nhà không phải là nghĩa vụ, mà là một hành trình dài hạn cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Nếu bạn chưa sẵn sàng, đừng tự gây áp lực bằng việc phải “sở hữu” bằng mọi giá. Thay vào đó, hãy sống có chiến lược: đầu tư vào bản thân và quản lý tài chính khôn ngoan.